Kỹ năng cần thiết để chuẩn bị và ứng phó hiệu quả trong mùa mưa lũ
Lũ, lụt là loại hình thiên tai nguy hiểm, có thể gây thương vong cho người, thiệt hại tài sản, phá hoại cơ sở vật chất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sinh hoạt và làm gián đoạn sản xuất, kinh doanh. Mưa lũ gây ngập, hoặc cuốn trôi nhà cửa, cuốn trôi gia cầm, gia súc, đầm nuôi trồng thủy sản, lúa, hoa màu. Đồng thời, lũ, lụt có thể gây ra sạt lở đất vô cùng nguy hiểm. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết và nguy cơ xảy ra lũ lụt, kỹ năng phòng tránh và ứng phó an toàn trở nên vô cùng quan trọng để bảo vệ bản thân và gia đình. Hãy cùng tìm hiểu những kỹ năng cần thiết để chuẩn bị và đối phó hiệu quả trong mùa mưa lũ.
Trước mưa lũ, người đân cần thường xuyên theo dõi thông tin, cảnh báo mưa, lũ trên các trang chính thống; Chuẩn bị thuyền, phao, bè, máng, vật nổi; gia cố nhà làm gác lửng, lối thoát trên mái nhà để ở tạm, cất giữ đồ đạc đề phòng lũ; Di chuyển gia súc, gia cầm, đồ đạc lên nơi cao để tránh ngập; Bảo vệ nguồn nước sạch; dự trữ nước uống, lương thực, thực phẩm, thuốc men, các vật dụng cần thiết đủ dùng ít nhất trong 7 ngày.Tranh thủ thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.Tìm hiểu, nắm bắt các tuyến đường sơ tán khẩn cấp đến nơi an toàn. Chủ động sơ tán khỏi vùng bãi sông, vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, các công trường đang thi công. Dừng hoạt động tại các công trình đang thi công dở dang. Đề phòng lũ xảy ra vào ban đêm. Lưu giữ các số điện thoại và địa chỉ liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.
Trong khi xảy ra lũ lụt, người dân cần cắt hết các nguồn điện sinh hoạt. Di chuyển đến nơi cao ráo, an toàn. Khi di chuyển phải sử dụng áo phao hoặc các đồ vật nổi khác. Tham gia lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn của địa phương.Ăn uống hợp vệ sinh, đảm bảo sử dụng nguồn nước sạch. Hỗ trợ nhau theo truyền thống “Lá lành đùm lá rách”. Bảo vệ người già, yếu, trẻ em, người khuyết tật,.. Tuyệt đối tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng. Người dân không nên chơi đùa, bơi lội hoặc đi lại trong nước lũ. Không vớt củi, đồ vật trôi trên sông. Không đi vào khu vực nguy hiểm. Không đánh bắt cá, thăm ruộng khi đang có lũ. Không để trẻ em chơi gần kênh, mương rạch, cống thoát nước.
Sau khi nước lũ rút, người dân cần kiểm tra các trang thiết bị trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn. Khẩn trương khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất.Thống kê thiệt hại, báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác với chính quyền địa phương. Tham gia dập dịch bệnh và xử lý môi trường../.