Xây dựng văn hóa giao thông bắt đầu từ trường học

20/04/2023 21:13 View Count: 199

Những năm qua, ngành GD & ĐT tỉnh Bắc Ninh nói chung và phòng GD&ĐT huyện Tiên Du nói riêng luôn chú trọng đẩy mạnh và đổi mới công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng để các em tham gia giao thông an toàn cho bản thân và cộng đồng, góp phần xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh.

Trên địa bàn huyện Tiên Du hiện nay, phần lớn học sinh của các trường THCS và THPT tự đến trường bằng các loại xe đạp điện, xe máy điện. Do đó, việc tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành Luật ATGT đường bộ cho học sinh được các nhà trường coi là một trong những giải pháp quan trọng giúp các em học sinh phòng tránh tai nạn và xây dựng văn hóa giao thông.


 

Tuyên truyền ATGT tại Trường Tiểu học Liên Bão

Nhằm xây dựng ý thức, trách nhiệm, văn hóa tham gia giao thông trong học sinh, trên địa bàn huyện Tiên Du đã ra mắt 14 mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” ở tất các xã, thị trấn và tổ chức ký cam kết thực hiện pháp luật, phòng chống tai, tệ nạn xã hội và nói chuyện chuyên đề về an toàn giao thông cho cán bộ, giáo viên và học sinh trong các nhà  trường. Trong nội dung chương trình ký kết, các em học sinh được nghe đại diện Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện nói chuyện về tình hình an ninh trật tự, ATGT trên địa bàn huyện; cung cấp kiến thức pháp luật về trật tự ATGT; tuyên truyền, phổ biến các hành vi vi phạm giao thông và mức xử phạt; các lỗi vi phạm giao thông ở lứa tuổi các em học sinh THPT, THCS thường xuyên mắc phải trong quá trình tham gia giao thông; trao đổi, phân tích các quy định và các giải pháp phòng, tránh tai nạn giao thông; phòng, chống tệ nạn xã hội. Đồng thời, đại diện cơ quan Công an huyện cũng đưa ra những khuyến cáo, nhắc nhở, hướng dẫn các em học sinh tham gia giao thông đúng cách; nhắc nhở học sinh nêu cao ý thức trong thực hiện pháp luật về ATGT cũng như thực hiện pháp luật, phòng, chống tai, tệ nạn xã hội trong tình hình hiện nay để đảm bảo an toàn cho bản thân, cũng như những người tham gia giao thông và phương tiện khác.


 

Các em học sinh hứng thú lắng nghe buổi tuyên truyền

Cô Nguyễn Thị Liên, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàn Sơn cho biết: “Thời gian qua, nội dung tuyên truyền, giáo dục ATGT và phòng, chống tệ nạn xã hội luôn được nhà trường đặc biệt chú trọng, quan tâm nhằm cung cấp kiến thức pháp luật về trật tự ATGT và phòng, chống tệ nạn xã hội cho học sinh. Lễ ra mắt mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” và  ký cam kết là hoạt động kịp thời, thiết thực nhằm tăng cường công tác giáo dục ATGT và nhắc nhở mọi người thực hiện tốt quy định về ATGT, mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi người và toàn xã hội. Đây cũng là hoạt động thể hiện ý thức, trách nhiệm của học sinh nhà trường trong việc chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông và phòng, chống các tệ nạn xã hội, ma túy; phòng chống tai nạn thương tích… trong học đường.

Từ nhiều năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã thực hiện chương trình giáo dục ATGT lồng ghép bằng nhiều hình thức đa dạng như: dạy kiến thức về ATGT trong tiết sinh hoạt lớp; tích hợp giảng dạy về Luật Giao thông đường bộ trong môn Giáo dục công dân; lồng ghép thông qua các tiết học ngoài giờ lên lớp; tuyên truyền qua hệ thống phát thanh của nhà trường về Luật Giao thông đường bộ và văn hóa tham gia giao thông; trải nghiệm qua phiên tòa giả định xét xử về tai nạn giao thông; tuyên truyền về ATGT, thi tìm hiểu về ATGT… Trong đó, tập trung vào nội dung chính: cách đi xe đạp, xe đạp điện an toàn; tìm hiểu về hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ; các nội dung về tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy tắc ATGT; dự đoán và phòng tránh nguy hiểm thực hiện lồng ghép trong các giờ sinh hoạt lớp. Đồng thời, trong mỗi năm học, các nhà trường đều phát động học sinh tham gia các cuộc thi “ATGT cho nụ cười ngày mai” do Bộ GD và ĐT phối hợp với Ủy ban ATGT quốc gia, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) và Công ty Honda Việt Nam tổ chức.


 

Học sinh tích cực đặt các câu hỏi liên quan đến ATGT

Để phòng ngừa các vụ tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn cho học sinh khi tham gia giao thông, xây dựng “văn hóa giao thông” được xác định là biện pháp quan trọng. Theo đó, ngành GD & ĐT huyện đã tăng cường phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành những quy định của pháp luật về trật tự ATGT trong các trường học; đẩy mạnh cuộc vận động “Học sinh, sinh viên với văn hóa giao thông”; xây dựng mô hình “Cổng trường ATGT”, nhắc nhở các em học sinh thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ; phối hợp tổ chức các hoạt động giúp học sinh kỹ năng tham gia giao thông an toàn; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức đoàn thể khác thường xuyên nhắc nhở, giáo dục học sinh khi tham gia giao thông không phóng nhanh, vượt ẩu, không điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi hoặc không có giấy phép lái xe phù hợp; đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe máy điện, xe đạp điện… Cùng với đó, các trường học quản lý chặt chẽ học sinh đến trường bằng phương tiện xe mô tô, xe máy điện, xe đạp điện; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những học sinh đến trường bằng xe mô tô trên 50 phân khối khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe theo quy định và không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe máy điện, xe đạp điện. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với lực lượng Công an xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kiến thức pháp luật về ATGT trong các trường học và tiếp nhận thông tin về học sinh vi phạm các quy định khi tham gia giao thông; gắn tiêu chí tham gia giao thông trách nhiệm, an toàn với việc chấm điểm thi đua hàng năm đối với học sinh và các trường. Đồng thời, tổ chức kiểm tra việc thực hiện cam kết giữa gia đình và nhà trường trong công tác giáo dục và bảo đảm trật tự ATGT cho học sinh; gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ sở giáo dục có trường hợp tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, xử lý trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân vi phạm… Bên cạnh đó, Đoàn thanh niên các trường học phát động phong trào giữ gìn trật tự ATGT với các khẩu hiệu: “Văn hóa giao thông, đồng hành tuổi trẻ”, “Văn hoá giao thông là không tai nạn”, “Một ý thức giao thông, triệu nụ cười hạnh phúc”… Vào đầu năm học, Phòng GD và ĐT huyện chỉ đạo 100% trường tiểu học và THCS tổ chức cho giáo viên và học sinh ký cam kết thực hiện các quy định về an toàn trường học. Đến nay, 100% trường mầm non trong huyện đều đã xây dựng khu sân chơi giao thông để trẻ em được trải nghiệm, sớm hình thành ý thức khi tham gia giao thông. Nhiều trường đã tận dụng hệ thống tường bao, bảng tin để kẻ vẽ các khẩu hiệu, biển báo ATGT nhằm tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ; 100% các trường mầm non, Tiểu học, THCS, THPT đã triển khai phong trào “an toàn trường học”, “cổng trường an toàn”.


 

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT tại trường THCS Phú Lâm

  Để thực hiện hiệu quả ATGT trong học sinh một cách bền vững, giảm thiểu tình trạng vi phạm trật tự ATGT, quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để hình thành cho các em học sinh ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông. Qua đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành, tạo cho các em thói quen, ý thức bền vững tuân thủ Luật Giao thông đường bộ. Ngoài lực lượng Công an, nhà trường, vấn đề quan trọng nhất vẫn là sự quản lý, giáo dục của gia đình, các bậc cha, mẹ học sinh cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của các em học sinh. Hướng đến xây dựng tỉnh Bắc Ninh là “Tỉnh An toàn giao thông”.

Dương Hòa - Trung tâm VH, TT&TT