Tiên Du chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

04/07/2024 21:06 Số lượt xem: 68

Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh ở đàn vật nuôi nói chung ở các địa phương trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Trong đó, cũng xuất hiện một số ổ dịch Châu phi, cúm gia cầm. Trước nguy cơ dịch bệnh tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới, ngành chuyên môn cùng các địa phương trên địa bàn huyện tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khống chế, ngăn chặn, không để dịch bệnh xẩy ra trên đàn gia súc, gia cầm, bảo vệ sản xuất.


 

Tiên Du duy trì phát triển đàn vật nuôi

Theo báo cáo của Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản huyện, tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện 6 tháng đầu năm ổn định, không có ổ bệnh nào phát sinh thành dịch. Một số dịch bệnh truyền nhiễm thông thường như: Tiêu chảy, Tụ huyết trùng, Viêm phổi, Suyễn, CRD… trên đàn gia súc, gia cầm xảy ra rải rác ở một số xã, thị trấn trên địa bàn. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản, Trạm chăn nuôi, Thú y và Thủy sản huyện khuyến cáo, đề nghị các địa phương, hộ chăn nuôi tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản, tiếp tục khống chế có hiệu quả các loại dịch bệnh: Cúm gia cầm, Tai xanh ở lợn; LMLM gia súc; Dịch tả, Tụ huyết trùng, Phó thương hàn ở lợn, Newcastle ở gà... không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn huyện.

Ông Lê Văn Tuấn, Trạm trưởng Trạm chăn nuôi, Thú y và Thủy sản huyện cho biết: Tiên Du là một trong những địa phương của tỉnh có số lượng đàn gia súc, gia cầm tương đối lớn. Tính đến thời điểm tháng 6/2024, toàn huyện có 1.734 con trâu, bò; 67.830  con lợn, trong đó: lợn nái 6.691 con, lợn đực giống 288 con, lợn hậu bị 6.151 con, lợn thịt 43.490 con, lợn con theo mẹ 11.210 con và hơn 1 triệu 478 nghìn con gia cầm các loại, trong đó đàn gà trên 1,3 triệu con, đàn vịt 117.283 con.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện cũng có 12 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, trong đó có 02 trang trại chăn nuôi gia cầm, 10 trang trại chăn nuôi lợn;  05 trang trại chăn nuôi qui mô vừa; 31 trang trại qui mô chăn nuôi nhỏ và 9.140 hộ chăn nuôi. Từ đầu năm đến nay, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã được Trạm chăn nuôi, Thú y và Thủy sản huyện chú trọng quan tâm chỉ đạo; thực hiện tốt các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND huyện về phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, bệnh dại trên động vật. Tăng cường công tác bám sát địa bàn các xã, thị trấn kiểm tra nắm bắt tình hình dịch bệnh, nhằm phát hiện sớm để có biện pháp xử lý kịp thời các ổ bệnh, không để lây lan trên diện rộng; quản lý chặt chẽ đàn vật nuôi đến từng hộ chăn nuôi; hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi trên địa bàn.


 

Các chủ hộ thực hiện tiêm phòng đối với đàn vật nuôi theo định kỳ

Nhằm hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra, bảo vệ sản xuất, UBND huyện đã chỉ đạo Tram chăn nuôi, Thú y và Thủy sản huyện, các ngành, địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, trong đó đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc xin với phương châm phòng bệnh là chính. Cụ thể, thực hiện Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 20/03/2024 của UBND huyện “về việc tiêm phòng đại trà cho đàn gia súc, gia cầm vụ Xuân Hè năm 2024”. Ngoài ra tổ chức tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo 100% số gia súc, gia cầm trong diện tiêm được tiêm phòng đầy đủ. Kết quả, toàn huyện đã tiêm được trên 5 triệu 987 nghìn liều vắc xin các loại, trong đó đàn trâu bò tiêm phòng được trên 3.300 liều vắc xin các loại; 267.777 liều vắc xin trên đàn lợn và trên 5 triệu 696 nghìn liều vắc xin trên đàn gia cầm.

Cùng với công tác tiêm phòng, Trạm chăn nuôi, Thú y và Thủy sản huyện còn đẩy mạnh công tác thôn tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về nguy cơ xảy ra dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học; khuyến khích và đẩy mạnh phương thức từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng trong khu dân cư sang chăn nuôi gia trại, trang trại tập trung, công nghiệp, sản xuất theo hướng hàng hóa. Ứng dụng mở mở rộng các chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi.

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng trước bối cảnh dịch bệnh động vật trên cả nước cũng như trong tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp cộng với thời tiết thay đổi bất thường, nền nhiệt cao như hiện nay là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do vậy, Trạm chăn nuôi Thú y và Thủy sản huyện khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động theo dõi chặt chẽ, tăng cường cung cấp dinh dưỡng, tiêm phòng dịch bệnh, thường xuyên sát trùng, vệ sinh chuồng trại; đặc biệt, cần báo ngay cho các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở khi phát hiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi./.

Xuân Trang – Trung tâm VH, TT&TT Tiên Du